Ngày nay, quản lý chất lượng sản phẩm là công việc tổ chức quản lý toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh nhằm không ngừng hoàn thiện chất lượng. Xuất phát từ những mục tiêu kinh tế khác nhau, từ những quan niệm khác nhau mà từng quốc gia có những phương pháp quản lý khác nhau.
Phương pháp kiểm tra chất lượng
Phương pháp kiểm tra chất lượng
Một phương pháp phổ biến nhất để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với quy định là bằng cách kiểm tra các sản phẩm, chi tiết bộ phận nhằm sàng lọc và loại ra bất cứ bộ phận nào không đảm bảo tiêu chuẩn hay quy cách kỹ thuật.
Kiểm tra chất lượng cần phải thoả mãn các điều kiện sau:
- Tiến hành một cách tin cậy và không có sai sót
- Chi phí kiểm tra phải ít hơn chi phí do sản phẩm khuyết tật gây ra.
- Kiểm tra phải tránh thiệt hại đến khách hàng
- Quá trình kiểm tra không được ảnh hưởng đến chất lượng
Phương pháp kiểm soát chất lượng
Phương pháp kiểm soát chất lượng
Theo định nghĩa, kiểm soát chất lượng là các hoạt động và kỹ thuật mang tính tác nghiệp; được sử dụng để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.
Để kiểm soát chất lượng, công ty phi kiểm soát được mọi yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tạo ra chất lượng. Việc kiểm soát này nhằm ngăn ngừa sản xuất ra sản phẩm khuyết tật. Nói chung, kiểm soát chất lượng là quá trình kiểm soát tất cả các khâu tạo ra sản phẩm, như kiểm soát:
- Con người thực hiện
- Phương pháp và quá trình sản xuất
- Nguyên vật liệu đầu vào
- Kiểm soát, bảo dưỡng thiết bị
- Môi trường làm việc
Phương pháp kiểm soát chất lượng toàn diện (TQC)
Các kỹ thuật kiểm soát chất lượng chỉ được áp dụng hạn chế trong khu vực sản xuất và kiểm tra. Để đạt được mục tiêu chính của quản lý chất lượng là thoả mãn người tiêu dùng; thì đó chưa phải là điều kiện đủ, nó đòi hỏi không chỉ áp dụng các phương pháp này vào các quá trình xảy ra trước quá trình sản xuất và kiểm tra như khảo sát thị trường, nghiên cứu, lập kế hoạch, phát triển, thiết kế và mua hàng, mà còn phải áp dụng cho các quá trình xảy ra sau đó như: đóng gói, lưu kho, vận chuyển, phân phối, bán hàng và dịch vụ sau khi bán hàng. Phương thức quản lý này được gọi là kiểm soát chất lượng toàn diện.
Kiểm soát chất lượng toàn diện (Total Quality Control – TQC) là một hệ thống có hiệu quả để nhất thể hoá các nỗ lực phát triển, duy trì và cải tiến chất lượng của các nhóm khác nhau vào trong một tổ chức sao cho các hoạt động marketing, kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ có thể tiến hành một cách kinh tế nhất, cho phép thoả mãn hoàn toàn khách hàng.
Kiểm soát chất lượng toàn diện huy động nỗ lực của mọi đơn vị trong công ty vào các quá trình có liên quan đến duy trì và cải tiến chất lượng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm tối đa trong sản xuất, dịch vụ đồng thời thoả mãn nhu cầu khách hàng.
Phương pháp quản lý chất lượng toàn diện (TQM)
Quản lý chất lượng toàn diện là một phương pháp quản lý của một tổ chức, định hướng vào chất lượng, dựa trên sự tham gia của mọi thành viên, nhằm đem lại sự thành công dài hạn thông qua sự thoả mãn khách hàng và lợi ích của mọi thành viên trong công ty đó và của xã hội.
Mục tiêu của TQM là cải tiến chất lượng sản phẩm và thoả mãn khách hàng ở mức độ tốt nhất cho phép.
Điểm nổi bật của TQM so với các phương pháp quản lý chất lượng trước đây là:
- Cung cấp một hệ thống quản lý chất lượng và cải tiến mọi khía cạnh có liên quan đến chất lượng sản phẩm.
- Huy động mọi bộ phận và cá nhân trong tổ chức tham gia
Thực hiện TQM, các doanh nghiệp nên chú ý đến một số đặc điểm sau:
- Chất lượng định hướng bởi khách hàng
- Vai trò lãnh đạo trong công ty
- Cải tiến chất lượng liên tục
- Tính nhất thể, hệ thống
- Sự tham gia của mọi cấp, mọi bộ phận, nhân viên
- Sử dụng các phương pháp tư duy khoa học như kỹ thuật thống kê, vừa đúng lúc,…
Về thực chất TQC hay TQM chỉ là những tên gọi khác nhau của một hình thái quản lý chất lượng. Trong những năm gần, xu thế chung của các nhà quản lý trên thế giới là dùng thuật ngữ TQM.